top of page
Search

[ Book Review #8 ] Luận Về Yêu - Alain De Botton

  • Writer: SaSa's Diary
    SaSa's Diary
  • Sep 3, 2020
  • 6 min read

Updated: Jan 16, 2022

Cuốn sách này dành cho bất kỳ ai đang thất tình, đang độc thân, cũng có thể là đang yêu đương say đắm. Thứ luôn làm chúng ta đau khổ trong cuộc sống này không phải bản chất vấn đề mà là nằm ở sự vô minh của chính ta. Sự vô minh được nhắc nhiều trong kinh điển Phật giáo. Tuy nhiên Alain De Botton sẽ giúp chúng ta vén bức màn vô minh của chúng ta khi yêu, bằng lý thuyết của Triết học.


Đắm chìm trong tình yêu là một điều sẽ đến với bất kỳ ai trong mỗi một cuộc tình. Nhưng đã bao giờ bạn thử tìm hiểu bản chất của tình yêu là gì chưa. Khi nhận diện được tình yêu giúp chúng ta bớt đau khổ khi thất tình, chủ động hơn trong một mối quan hệ.


Bằng cách kể chuyện tình của nhân vật xưng tôi, tác giả đã mang tình yêu ra mổ xẻ khá chi tiết, thấu đáo và không kém phần thú vị. Từ lúc gặp nhau ra sao, yêu như thế nào và đau khổ ra sao khi chia tay. Những vấn đề mà hầu hết ai trong chúng ta cũng đã từng trải nghiệm khi yêu. Trong khuôn khổ bài giới thiệu này tôi xin liệt kê ra một vài điểm thú vị mà tôi đã liên kết với chính mình.

Khi phải lòng một ai đó trong một buổi gặp gỡ, chúng ta sẽ bắt đầu tin vào thuyết định mệnh. Bất kể điều gì cũng suy ra được rằng anh ấy/cô ấy chính là định mệnh của đời mình. Ở những buổi gặp tiếp theo chúng ta sẽ tiếp tục nói nhiều hơn về sở thích, quan điểm sống, thời ấu thơ và vô số các chủ đề để tìm điểm tương đồng. Và dĩ nhiên mọi điểm tương đồng sẽ được quy về “ anh/em sinh ra là để dành cho nhau.” Chúng ta sẽ lý tưởng hóa mối nhân duyên đó lên tầm cỡ như Romeo & Juliet. Ngoài lý tưởng hóa cuộc gặp gỡ, chúng ta còn lý tưởng hóa đối phương như là một bậc thần thánh không tì vết. Những gì thuộc về người ta cũng dễ thương, cũng hay ho, thánh thiện. Nên triết gia Kant đã nói rằng “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình” .

Alain De Botton dùng thuyết Mác Xít để nói về sự mâu thuẫn phổ biến trong tình yêu. “ Trong tình yêu, không có gì ngoài niềm khao khát cuồng loạn những thứ lẩn tránh chúng ta”. Chúng ta thường thấy phụ nữ khó chinh phục một chút thì sẽ thu hút nhiều đàn ông. Hoặc ở một vài người bạn của tôi, họ rất thích một người cho đến khi nhận được tình cảm hồi đáp. Tính Mác Xít xuất hiện trong các mối quan hệ ở nhiều trạng thái khác nhau. Điều này cũng lý giải được vì sao các anh “good boy” thì thường thất bại trong tình yêu, còn những anh chàng “bad boy” thì các cô cứ nguyện sống nguyện chết.

Và bất kỳ mối quan hệ nào cũng bước qua giai đoạn say mê cuồng nhiệt, để vào giai đoạn xung đột mâu thuẫn. Tác giả gọi tất cả xung đột ấy là những nốt nhạc bị phô. “ Vào những lúc êm ấm, chúng tôi tưởng tượng tình yêu lãng mạn phải xêm xêm với tình yêu Kito giáo, một cảm giác không xét đoán, rộng lượng, chứng tỏ rằng anh sẽ yêu em vì toàn bộ con người em, một tình yêu không điều kiện, không biên giới, ngưỡng mộ đến chiếc giày cuối cùng, một vật hiện thân của sự chấp nhận. Nhưng những cuộc cãi vã bám lấy các tình nhân là lời nhắc nhở rằng tình yêu kiểu Kito giáo không có xu hướng bất diệt sau bước đưa nhau lên giường.” Khi yêu nhau đến một giai đoạn, chúng ta có thể cư xử tử tế với nhau nhưng không còn lịch thiệp như trước. Thú vị hơn Alain De Botton dùng tình yêu để so sánh với cuộc cách mạng chính trị vì khởi đầu chúng có vẻ lý tưởng như nhau nhưng thường kết thúc trong đẫm máu.

Khó nhằn là thế nhưng tại sao chúng ta luôn cần một tình yêu. Có phải là chúng ta cần một ai đó để xác nhận cảm giác rằng chúng ta tồn tại. Đôi lần chúng ta đã từng trải qua cảm giác như vậy, trống rỗng và suy niệm về cuộc đời về cái chết, sự vô thường vv…Thế nhưng tình yêu sẽ giúp cứu rỗi chúng ta ra khỏi những giây phút ấy. Và không chỉ ở tình yêu mà còn ở tình bạn, tình thân trong gia đình. “ Nếu không có tình yêu, chúng ta đánh mất khả năng sở hữu một căn tính thích hợp, còn nếu có tình yêu tức là có sự xác nhận thường hằng về bản thể của chúng ta. Bởi thế một quan niệm về một vị Chúa toàn năng có thể quan sát chúng ta vẫn là trung tâm của nhiều tôn giáo: được nhìn thấy tức là được bảo đảm rằng chúng ta tồn tại, và tốt hơn là có một vị Chúa (hay người tình) yêu chúng ta.”


Tình yêu cần thiết như vậy, liệu rằng sống trong một tình yêu lý tưởng có khiến chúng ta an tâm. Thật mâu thuẫn, chúng ta sẽ khổ sở và đau đớn nếu tình yêu không được hồi đáp. Thế nhưng, một cuộc tình quá đẹp đẽ như ý muốn cũng khiến con người ta có những nỗi lo sợ. Tác giả kể về Mohammed II trong tiểu thuyết “ Đi tìm thời gian đã mất.” Ông ta nhận ra mình yêu một người đàn bà trong hậu cung và lập tức giết cô bởi vì ông không muốn sống trong sự câu thúc về tinh thần với một người khác. Tôi không biết rằng có nhiều người có trải nghiệm cảm xúc như thế không? Nhưng có lần tôi đang nằm trên sofa đọc sách cùng chồng ở sân thượng. Khung cảnh buổi chiều êm ả với vài cánh chim én bay lượn. Chẳng phải đây là cảnh mà tôi rất yêu thích trong phim Notting Hill sao? Ngay sau giây phút hạnh phúc dễ chịu thì tôi bị nỗi lo sợ mơ hồ xâm lấn. Tôi cứ nghĩ rằng tôi bị chứng lo sợ thái quá cho đến khi được đồng cảm bởi đọc cuốn sách này.


Cuộc tình của nhân vật tôi và cô gái Chloe cũng đến lúc có hồi kết như rất nhiều cuộc tình khác. Không có gì quá bất ngờ. Một trải nghiệm không mấy dễ chịu với bất kỳ ai cho dù bạn là người nói lời chia tay trước. Chúng ta thề nguyện với lòng rằng sẽ không yêu ai khác nữa để chứng minh tấm chân tình. Muốn đối phương hiểu rằng ngoài ta ra không ai có thể yêu họ nhiều như thế. Có người còn muốn tự tử, hành hạ bản thân…Cốt chỉ để gây sự chú ý và muốn người kia hối hận về sự quyết định của họ.


Bằng cách bám víu vào một thứ cảm xúc mà tác giả gọi là “phức cảm Jesus”. Nghĩa là Chúa chịu đau khổ trên thập giá, bị phản bội và theo đó phẩm hạnh của Ngài chẳng ai dám bàn cãi. Khi đau khổ vì phản bội trong tình yêu, vô hình chung chúng ta cho bản thân cái quyền được nghĩ mình phẩm hạnh hơn người kia. “ Cảm giác về phẩm hạnh nảy sinh tự phát triển trên mảnh đất màu mỡ của nỗi đau. Càng đau đớn, người ta càng có tiết hạnh…Bị người yêu từ bỏ tôi xiển dương nỗi đau của mình như là dấu hiệu của sự cao cả( đổ sụp xuống giường vào ba giờ chiều) và bởi vậy tránh phải trải nghiệm nỗi sầu khổ như kết quả những gì xét cho cùng cũng chỉ là một cuộc chia tay lãng mạn trần tực. Sự ra đi của Chloe có thể giết tôi, nhưng ít nhất để lại tôi sự sở hữu chói lòa một cơ sở đạo đức cao ngạo. Tôi là một tử sĩ.”


Những lần gặp gỡ tưởng như là định mệnh nhưng rồi cũng ngậm ngùi chia xa. Tưởng rằng nếu không còn được yêu người đó thì tình yêu trong mình cũng lụi tàn. Thế nhưng tất cả điều đó sẽ biến mất, con tim lại rộn ràng khi gặp gỡ người mới, và rồi yêu như chưa từng một lần đau khổ. Alain De Botton phân tích về triết học đan xen cùng những câu chuyện yêu nhau vừa nhẹ nhàng, kịch tính giữa nhân vật tôi và Chloe. Họ cùng nhau đi dạo trong công viên, thức dậy và ăn sáng cùng nhau, những bữa tối lãng mạn ở Paris, kỳ nghỉ đông, họ cãi nhau vì đôi giày, vì lọ mứt, ghen tuông vv…Hình ảnh quen thuộc với bất kỳ cặp đôi nào, bạn sẽ tìm thấy mình trong những câu chuyện như vậy, tầm thường nhưng hàm chứa tính triết học cực kỳ thú vị.

Book Review By SaSa's Diary
 


 
 
 

Comments


Post: Blog2_Post

Subscribe Form

Thanks for submitting!

+84 708127099

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2020 by SaSa's Diary. Proudly created with Wix.com

bottom of page