top of page
Search

[ Book Review #6 ] Tâm Lý Người An Nam - Paul Giran

  • Writer: SaSa's Diary
    SaSa's Diary
  • Aug 3, 2020
  • 6 min read

Trong chúng ta, ai đã từng tự đặt những câu hỏi như tại sao người Việt Nam chúng ta có vẻ rất bàng quan với thời cuộc, các vấn đề chính trị xã hội và thường không có tư duy phản biện lại những gì họ tiếp nhận. Tính cách của một dân tộc chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố về lịch sử văn hóa, chính trị và môi trường sống. Cuốn sách “ Tâm Lý Người An Nam” của Paul Giran sẽ giúp chúng ta giải thích một vài nguyên nhân trong số đó.


Khi người Pháp bắt đầu công cuộc gọi là “ khai hóa” cho dân tộc An Nam họ bắt đầu tìm hiểu nghiên cứu tính cách, văn hóa nhằm dễ bề thiết lập thể chế chính trị phù hợp để cai trị. Paul Giran sau khi tốt nghiệp trường Thuộc địa, ông được bổ nhiệm làm việc ở Đông Dương. Ông nhận thấy rằng áp đặt lên người An Nam những thiết chế chính trị, tôn giáo và luân lý của người Pháp là không hiệu quả. Thế nên ông đã thực hiện cuộc khảo sát dân tộc An Nam để khám phá ra động lực thâm sâu trong những sinh hoạt cá nhân và công cộng. Nếu ai đã tìm hiểu một chút về người Pháp đếu biết rằng họ luôn cho rằng họ là một dân tộc thượng đẳng. Trong cuốn sách này tác giả cũng không che giấu điêù đó, tuy nhiên vẫn có nhiều nhận định, đánh giá khá đúng với dân tộc chúng ta.


Ông nhận định rằng chủng tộc và môi trường là hai yếu tố chính tác động đến tính cách của người An Nam. Paul Giran cho rằng người An Nam thuộc cộng đồng người “ Ấn Độ- Mông Cổ” và bị lai trộn bởi hai dân tộc Trung Hoa và Mã Lai. Vào thời bấy giờ từ năm 2400 đến 2225 TCN có bốn bộ tộc man di chiếm ngụ vùng biên giới của Đế Chế Trung Hoa. Ở miền Nam là bộ tộc Giao Chỉ, và người An Nam tự nhận là tổ tiên của mình. Ông nhận thấy người Hoa Nam và người Bắc Kỳ có những đặc điểm tính cách tương đồng nhau như vui vẻ, ồn ào hơn so với người Hoa Bắc. Tuy nhiên do khí hậu An Nam nóng hơn vùng Hoa Nam nên người An Nam có những khiếm khuyết về cơ thể cũng như tinh thần. Ông luôn lặp đi lặp lại rất nhiều lần về khí hậu nóng bức ở An Nam đã khiến cho thần kinh của người An Nam bị suy nhược. Có vẻ như người da trắng sống ở xứ ôn đới như ông khó thích nghi được khí hậu nhiệt đới ở An Nam. Nên ông đã liên tục nhấn mạnh khí hậu là nguồn cơn cho tất cả những khác biệt mà ông nhìn thấy ở người An Nam. Lại là khí hậu, ông cho rằng khí hậu nóng bức đã làm cho cho cơ thể mất hết năng lượng nên người An Nam ù lì, lãnh đạm và vô cảm. Ông dùng ẩm thực thần thánh của người An Nam để minh chứng cho sự vô cảm, tàn bạo của người An Nam. Như trứng vịt lộn, vịt dữa, đuông dừa Bến Tre, ếch, rắn, nhái…Thế chắc Foie Gras thì đại diện cho tính nhân văn của người Pháp. Ngoài ra ông còn dùng ví dụ về những hình thức hành hình ngày xưa như lăng trì, phanh thay để minh chứng cho sự tàn bạo của người An Nam. Vậy chứ những hình phạt của Trung Hoa thì sao, cũng tàn bạo không kém so với những bạo chúa thời La Mã, hoặc ai mà không biết đến sự hung tàn của tộc người Viking.

Ông nhìn người An Nam mặc trang phục đơn giản, ông cho rằng đấy là sự miệt thị thân thể. Nước người ta chưa tiền bộ nên cơ sở vật chật tiện nghi trong nhà ngèo nàn, ông cũng cho rằng người An Nam vô cảm. Ông nói “ nhà gì không có cửa sổ, không có cả ống thông khói rồi ông già Noel tặng quà vào đêm Giáng sinh bằng đường nào!”. Là tôi khịa cho vui thôi chứ ông chỉ nói nhà không có ống thông khói, khói thoát ra bằng kẻ hở mái tranh.


Ngoài những nhận định đầy tính thiên kiến như trên thì Paul Giran cũng chỉ ra được vài điều đáng lưu tâm mà tôi cảm thấy khá đúng với người An Nam hiện đại. Đó là người An Nam tin vào thuyết định mệnh nên hầu như họ luôn chịu đựng bất công hay đòn roi với một thái độ nhịn nhục. Điều này do ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa cũng như là văn hóa Khổng Giáo đã ăn sâu vào thâm căn cố đế mà cho đến bây giờ vẫn còn tàn tích. Vợ chồng lấy nhau, chồng gia trưởng, đánh đập, bạo hành nhưng người phụ nữ không dám phản kháng và không dám ly hôn vì sợ điều tiếng. Đàn ông là trụ cột gia đình nên nảy sinh quan niệm trọng nam khinh nữ. Bởi vì tin vào vận mệnh, thần linh và chịu sự đồng hóa một thời gian lâu dài của Trung Hoa nên người An Nam rất quỵ lụy và sợ quyền uy. Điều này còn thể hiện cả trong văn hóa gia đình và thường nhật. “ Quân xử thần tử thần bất tử bất trung.” “ Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu.” “ Chồng chúa vợ tôi.”’…Đây là một số quan niệm tiêu biểu thời xưa của dân tộc An Nam. Hình ảnh người cha trong gia đình An Nam rất đáng sợ như một vị thầy tế được tôn kính, vị quan tòa gây sợ hãi. Tất cả không phải là một tình thương tự nhiên của những người trong gia đình mà là bổn phận bị áp đặt bởi truyền thống, tôn giáo…Ở con cái không có tình thương yêu dành cho cha mẹ mà chỉ có lòng hiếu thảo mà thôi. Từ nhỏ đến lớn không biết đến nụ hôn của mẹ là gì. Thật vậy, thế hệ ông bà, cha, mẹ chúng ta trước đây hầu như rất hạn chế thể hiện tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Cha, mẹ không bao giờ thể hiện tình cảm trước mặt con cái, thiếu vắng những cái ôm động viên cha mẹ dành cho con cái và ngược lại. Người An Nam còn bị kiềm hãm về cá tính, tự do bởi gia đình. Rộng lớn hơn họ cũng không có nhu cầu biểu đạt quan điểm chính trị, tôn giáo hay xã hội mà phó mặc việc đó cho nhà nước.


Ở chương thứ II, Paul Giran nói về quá trình tiến hóa về chính trị xã hội của người An Nam. Rất nhiều những quan sát và ghi chép khá đúng về văn hóa dân tộc chúng ta. Như là tài giỏi trong nghề đúc đồng nhưng không có thiên hướng buôn bán. Đúng vậy so với tài buôn bán thì người An Nam chúng ta thì “tuổi hồng sánh vai” so với người Trung Hoa nhé. 😊 Ngoài ra ông còn nhắc đến rất nhiều vấn đề trong văn học, tín ngưỡng, chữ viết…vẫn sặc mùi kỳ thị. Ví dụ như ông cho rằng chữ viết Latin là văn minh hơn hẳn so với chữ tượng hình, ngữ pháp An Nam không có chia thì, chia giống như tiếng Latin. Về văn học thì gieo vần đỉnh như Nguyễn Du trong truyện Kiều thì qua cái nhìn của ông cũng bình thường thôi mà “ hoàng đế, quần thần hồ hởi cười như điên”. Về Tôn giáo, không giống như của người Tây Phương có những lời khuyên dạy để cải thiện đức tính con người. Tôn giáo ở An Nam thờ thần linh, những đồ vật có linh tính, thờ ông cọp, thần sông, thần núi…Ông ghi chép khá đúng nhưng tôi không đồng tình với nhận định của ông. Ông cho rằng là nó thứ tôn giáo ngây ngô. Còn rất nhiều ghi chép và nhận định nhưng tôi không thể liệt kê ra hết trong bài viết này.


Khi cuốn sách được xuất bản đã gây tranh cãi và tức giận cho nhiều người Việt tuy nhiên rằng vẫn không phủ nhận được giá trị lịch sử của nó. Nếu đọc với tinh thần cởi mở thì nó cũng giúp chúng ta hiểu hơn về văn hóa tính cách của dân tộc mình. Ngoài ra, tôi không hài lòng lắm với bản dịch này, tôi chưa đọc bản gốc nên cũng không nhận định được, nhưng bản dịch có một vài chỗ hơi khó hiểu.


Tôi viết bài này ở thời điểm người dân Việt Nam đang hướng về Đà Nẵng. Thành phố đang chịu ảnh hưởng nặng bởi sự trở lại của Covid 19. Bình thường thì nhiều người Việt Nam có thể sẵn sàng bán sầu riêng ngâm thuốc, bán thực bẩn cho nhau nhưng khi có một sự cố nào đó, họ rất đoàn kết. Nhưng sự đoàn kết, đồng lòng này phải được khởi nguồn và dẫn dắt bởi nhà nước. Còn nếu để tự do như đi đón giao thừa ở phố đi bộ Nguyễn Huệ thì hôm sau phải tăng cường nhân công vệ sinh công cộng mới dọn hết chỗ rác mà họ để lại.


Review By SaSa's Diary


 



 
 
 

Comentários


Post: Blog2_Post

Subscribe Form

Thanks for submitting!

+84 708127099

  • Facebook
  • Twitter
  • LinkedIn

©2020 by SaSa's Diary. Proudly created with Wix.com

bottom of page