[ Book Review #5 ] Một Đời Như Kẻ Tìm Đường - Phan Văn Trường
- SaSa's Diary
- Jul 29, 2020
- 5 min read
Nhiều người trong chúng ta luôn ngộ nhận rằng hành phúc là khi chúng ta đạt được những thành tựu như có nhà lầu, xe hơi đắt tiền, đảm nhiệm vị trí giám đốc của một công ty lớn vv… Chính vì điều này khi phối khiến cho xã hội chúng ta luôn quay cuồng trong một mớ hỗn loạn làm sao để chọn ra một con đường nhanh nhất để đạt đến những mục đích trên. Thầy Phan Văn Trường, một tác giả quen thuộc với nhiều độc giả trẻ Việt Nam trong những năm gần đây với hai cuốn sách “ Một Đời Quản Trị” “ Một Đời Thương Thuyết”. Mặc dù tuổi đã nhiều nhưng thầy đã hoạt động rất sôi nỗi trong nhiều diễn đàn, tổ chức phi lợi nhuận để giúp đỡ nhiều bạn trẻ Việt Nam trong công cuộc hướng nghiệp. Thầy đã đi diễn thuyết rất nhiều trường Đại học cũng như Trung học Phổ thông, nói chuyện rất nhiều với giới trẻ Việt Nam. Và câu hỏi mà Thầy đã nhận rất nhiều từ khắp nơi trên cả nước gửi về cho Thầy đó là “làm sao để chọn ra cho mình một nghề nghiệp đúng đắn?” Thế nên Thầy đã viết “ Một Đời Như Kẻ Tìm Đường” như một lời nhắn gửi được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của Thầy, để lại cho thế hệ trẻ chúng ta.
Cuốn sách này Thầy viết dưới dạng hồi ký kể về những ngả rẽ mang tính bước ngoặc trong cuộc đời Thầy, kèm theo đó là những lời khuyên. Và đặc biệt Thầy dùng câu chuyện cổ dân gian là Từ Thức Gặp Tiên để ẩn dụ cho những lời khuyên mà Thầy muốn nói. Rằng Từ Thức xưa kia không hài lòng với những gì mà mình đang có mà đi tìm đến cõi tiên. Đến khi tìm được tới cõi tiên, có vợ đẹp là Giáng Hương, được trường sinh, luôn có người hầu kẻ hạ nhưng Từ Thức vẫn cảm thấy chán chường. Ở cõi tiên không lâu Từ Thức tìm về với quê nhà nhưng cảnh xưa không còn nữa. Từ Thức buồn rầu muốn quay lại cõi tiên nhưng không còn cơ hội nữa. Dựa trên truyền thuyết này rút tỉa ra được bài học rằng hạnh phúc không nằm ở ngoại cảnh mà tại tâm chúng ta.
Ngoài câu chuyện Từ Thức, Thầy kể về câu chuyện cuộc đời Thầy về những lựa chọn mà không xuất phát từ mong muốn của Thầy. Thầy không có ý định sang Pháp du học, những kết quả là thầy đi du học năm 17 tuổi, khi mới sang Pháp chân ướt chân ráo bị lừa hết tiền Thầy phải đi ăn nhờ, ở đậu nhiều nơi khác nhau. Thầy không có ý định học cầu đường từ trước nhưng ngành Thầy học là ngành cầu đường và công việc của Thầy sau này không liên quan đến ngành cầu đường. Thầy học tiếng Pháp nhưng đi làm ở những quốc gia nói tiếng Anh, làm ở Brasil, Singapore, Malaisia vv…Cuộc đời đưa đẩy, dìu dắt Thầy đi từ lựa chọn này đến lựa chọn khác với một kim chỉ nam duy nhất giúp Thấy là cố gắng làm tốt nhất mọi việc với một tấm lòng tử tế, khiêm nhường. Chính vì thế nên trên đường sự nghiệp Thầy luôn được gặp quý nhân phù trợ và người người yêu mến.
Lòng tử tế, tính khiêm nhường đã giúp Thầy đi qua nhiều khó khăn, biến cố trong cuộc đời lấy từ đâu? Đó là từ lời dạy từ Cha Thầy, nhà văn Phan Văn Tạo và một cuốn sách đã làm thay đổi cuộc đời thầy từ tấm bé. Cuốn sách “ Tâm Hồn Cao Thượng” của người thuê nhà cũ đã để lại cho gia đình Thầy, khi chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống. Ngoài những ví dụ sinh động được lấy từ chính cuộc đời của Thầy thì còn có những câu chuyện từ những người bạn rất thành công trong nhiều lĩnh vực mà Thầy đã gặp. Đó là những câu chuyện về khởi nghiệp, về đạo đức kinh doanh, về tư duy làm giàu, triết lý cuộc sống. Bên cạnh đó thầy chỉ ra những tư duy khá cũ kỹ của người Việt Nam chúng ta như cha mẹ can thiệp vào đời sống của con cái quá nhiều từ học hành, hôn nhân vv…Người trẻ không tự quyết định được những vấn đề quan trọng của đời mình. Tư duy làm việc muốn cho xong, muốn làm chủ, làm sếp và không ai muốn lao động tay chân vv… Và còn rất nhiều lời khuyên quý giá ở nhiều chủ đề dành cho người trẻ chúng ta như hôn nhân, khởi nghiệp, bạn bè vv…
Đọc những lời Thầy Trường viết tôi có cảm giác như là lời khuyên dạy của một người ông dành cho mình. Dịu dàng, khiêm nhường nhưng không kém phần dí dỏm. Thú thực đọc sách người Việt Nam viết rất sướng vì ngôn ngữ, cách hành văn tự nhiên, dễ hiểu. Ngoài ra do vốn tự vựng tiếng Việt của Thầy Trường cách đây đã hơn 50 năm, nên Thầy dùng những từ vựng xưa cũ đọc cho mình cảm giác hoài niệm về thời ông bà chúng ta. Thầy dùng như câu từ như là “ biên thơ” thay cho “viết thư” hoặc dẫn dụ lại những lời khuyên của Cha Thầy như một bậc hiền nhân “ Con ạ, hạnh phúc là cái gì con cảm nhận được khi con đã chia sẽ thật nhiệt tình, với tất cả lòng trong sáng từ bi.”
Tôi có sở thích đọc sách tuy nhiên nhiều lần tôi tự hỏi mình, đọc sách để làm gì trong khi người ta có đọc sách đâu mà người ta vẫn làm giàu? Đọc sách có làm cho mình nhiều tiền hơn không? Sau khi đọc cuốn này tôi đã thay đổi rất nhiều quan điểm trong cuộc sống và cảm thấy lạc quan hơn. Thành công không phải cứ phải đạt được những thành tựu to lớn phải làm ông này bà kia, phải đảm nhiệm những vị trị chính yếu trong một công ty mới là thành công. Thành công là khi mình có thể được đóng góp cho xã hội, cho công ty hay ít nhất cho gia đình. Hạnh phúc không phải là không phải là những thứ hảo huyền, cao siêu mà chính là những điều giản dị xung quanh.
Review By SaSa's Diary
#ReviewMộtĐờiNhưKẻTìmĐường #PhanVănTrường #CấyNền #ThầyTrường #CâulạcbộCấyNền #KhởiNghiệp #Startup #sáchkinhđiển #sáchhay2020 #sáchkhởinghiệp #sáchhướngnghiệp #topsachhaynendoc #sáchbánchạy #sáchbestseller

Comentários