[ Book Review #3 ] Học được gì qua " Chủ Nghĩa Khắc Kỷ " Của William B.Irvine ?
- SaSa's Diary
- Jul 3, 2020
- 13 min read
Trước khi đọc cuốn sách này thì chủ nghĩ Khắc kỷ trong cảm nhận của tôi gần giống như lối tu khổ hạnh mà trước đây Đức Phật đã từng tham gia tu tập. Cảm nghĩ như đây là lối sống khá cực đoan, lúc nào cũng gò ép bản thân sống trong điệu kiện khắc nghiệt để tìm kiếm sự giải thoát ở kiếp sau. Và đây cũng là sự hiểu lầm khá phổ biến của mọi người về chủ nghĩa khắc kỷ. Nhưng không sao, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu tường tận về chủ nghĩa Khắc kỷ qua cuốn sách cùng tên của William B.Irvine.
Những câu hỏi kinh điển như thế giới đến từ đâu? Ai tạo ra loài người ? là những câu hỏi luôn được hỏi xuyên suốt theo chiều dài lịch sử của loài người. Và triết học ra đời để giúp chúng ta hiểu hơn về thế giới mà chúng ta đang sống. Chủ nghĩa khắc kỷ là một trong nhiều những trường phái triết học như chủ nghĩa Duy vật, chủ nghĩa Duy tâm, chủ nghĩa Hiện sinh, Nho giáo…vv
Trước Socrates, các triết gia chủ yếu quan tâm đến việc giải thích thế giới xung quanh và các hiện tượng của thế giới đó và bây giờ chúng ta gọi đó là khoa học. Đến thời của Socrates thì ông quan tâm đến cuộc sống và tâm hồn con người.Trường phái khắc kỷ là sự kết hợp giữa trường phái Cyrenaic (ủng hộ lối sống ưa chuộng lạc thú) và trường phái Yếm thế (ủng hộ lối sống khổ hạnh). Trường phái Khắc kỷ ủng hộ việc tận hưởng những điều tốt đẹp trong cuộc sống miễn là không bám chấp vào điều đó.
Zeno là nhà Khắc kỷ đầu tiên. Vị thầy đầu tiên của Zeno là Crates một người theo chủ nghĩa Yếm thế. Sau khi theo học Crates một thời gian, Zeno nhận thấy rằng Crates chỉ quan tâm đến lý thuyết nên ông đã chuyển sang kết hợp giữa lý thuyết và thực hành lối sống.Triết học của Zeno bao hàm đạo đức, vật lý và logic trong đó đạo đức là quan trọng nhất. Khác với đạo đức học là ngành nghiên cứu tính đúng sai về mặc đạo đức. Đạo đức của chủ nghĩa khắc kỷ là đạo đức eudaemonistic, trong tiếng Hy Lạp “ eu” nghĩa tốt, “ daemon” có nghĩa là tinh thần. Nó không quan tâm đến tính đúng sai mà quan tâm đến một “ tinh thần tốt”. Sau khi Zeno mất thì học trò của ông tiếp tục phát triển qua nhiều đời và du nhập tới La Mã vào năm 140 TCN. Người La Mã đã điều chỉnh Chủ nghĩa khắc kỷ phù hợp với nhu cầu của họ. Người La Mã không quan tâm nhiều đến tính vật lý, logic mà chỉ quan tâm đến tính đạo đức. Tuy nhiên ngoài sự đức hạnh, người La Ma cũng theo đuổi tính bình thản, nghĩa là không có cảm xúc tiêu cực như đau buồn, lo lắng, tức giận mà chỉ có cảm xúc tích cực như vui vẻ hân hoan. Bằng việc theo đuổi sự bình thản sẽ đạt được mục đích đức hạnh.
Vì tập trung vào tính thực tiễn của chủ nghĩa Khắc kỷ nên trong tác phẩm này tác giả chỉ nói về chủ nghĩa Khắc kỷ La Mã với mục đích chủ yếu để đạt được lối sống bình thản. Những người đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển chủ nghĩa Khắc kỷ La Mã là Seneca, Musonius Rufus, Epictetus và Marcus Aurelius. Những vì triết gia này đều có một điểm chung là đều có cuộc sống khắc nghiệt vì tù đày, bệnh tật trong nhiều năm. Họ không than phiền về số phận mà họ coi đây là cơ hội để thực hành lối sống Khắc kỷ. Điều này giúp họ sống vui vẻ, bình thản trong điều kiện khắc nghiệt chốn lao tù ngoài hoang đảo. Sau đây là những kỹ thuật Khắc kỷ mà các nhà Khắc kỹ đã áp dụng và một số lời khuyên hữu ích dành cho những ai muốn thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ.
1/ Trân trọng những gì chúng ta đang có ở hiện tại qua việc thực hành kỹ thuật tưởng tượng tiêu cực.
Sự thích nghi với khoái lạc khiến chúng ta nhanh chóng cảm thấy chán chường với những gì chúng ta đang có, cho dù đó là điều mà chúng ta đã từng mong ước trước kia. Điều này nhận thấy rất rõ qua việc mua sắm quần áo ở phụ nữ. Bạn cực kỳ thích chiếc đầm mới ở cửa hiệu kia và bằng mọi giá phải mua nó nhưng thực tế bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy không còn thích nó như ban đầu nữa. Và bạn bắt đầu phải lòng mới những mẫu đầm mới xuất hiện trên news feed. Và điều này xảy ra hầu hết trong cuộc sống của chúng ta như trong mối quan hệ yêu đương, tình cảm vợ chồng, vị trí công việc hiện tại…những đồ đạt mà chúng ta đang sở hữu. Nắm bắt được điều này nên các công ty, doanh nghiệp luôn cho ra những sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Riêng chúng ta cho dù có thay đổi bao nhiêu đi nữa thì chúng ta vẫn thấy chưa đủ và sự mong cầu luôn luôn được tiếp diễn. Chúng ta vẫn không có được hạnh phúc.
Sử dụng kỹ thuật tưởng tượng tiêu cực sẽ giúp chúng ta giải quyết được vấn đề này. Có nghĩa là chúng ta sẽ tưởng tượng tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra với một sự kiện nào đó đang diễn ra. Ví dụ có thể bạn đang cảm thấy chán ăn và hãy tưởng tượng đây là lần cuối cùng bạn có cơ hội ăn món này vì thế bạn hãy tập trung và tận hưởng nó bằng cảm xúc trọn vẹn nhất. Có thể hiện tại bạn cảm thấy cuộc sống thật nhạt nhẽo, vô vị nhưng thư tưởng tượng nếu Việt Nam bây giờ như Mỹ, Brazil, Anh, Đức… các quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Corona, sự sống còn rất mong manh, bạn sẽ thấy rằng được bình yên, đi lại trên đường, làm việc là ân sủng lớn. Chúng ta có thể thực hành kỹ thuật này trong nhiều tình huống của cuộc sống hằng ngày. Ý thức được rằng người thân của chúng ta không phải lúc nào cũng ở bên cạnh sẽ giúp chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu. Kỹ thuật này cũng gần giống với việc hiểu được sự vô thường trong Phật Giáo. Tất cả những gì chúng ta thấy ở hiện tại là sự biểu hiện tạm thời. Một bông hoa nở, cảnh mặt trời mọc, chim hót, và những người thân yêu đều là tạm thời và sẽ mất đi bất cứ lúc nào. Phật giáo cũng dạy chúng ta dùng chánh niệm để tập trung sống ở giây phút hiện tại thay vì tiếc nuối quá khứ hay mong cầu ở tương lai.
2/ Kiểm soát sự lo lắng, sợ hãi bằng lý thuyết tam phân quyền kiểm soát.
Trong cuộc sống có những sự việc hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, có những sự việc chúng ta chỉ kiểm soát một phần và có những sự việc chúng ta có thể kiểm soát hoàn toàn. Dựa vào lý thuyết này, chúng ta có thể biết rằng nếu những sự việc nào hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của chúng ta thì chúng ta không nên dành nhiều thời gian bận tâm hay lo lắng về nó. Những việc mà chúng ta có quyền kiểm soát hoàn toàn thì hãy nỗ lực hết sức để đạt được nó. Và ngoài ra biết được những sự việc chúng ta chỉ có thể kiểm soát được một phần thì nếu kết quả có bất như ý thì chúng ta cũng không nên chìm sâu vào nỗi buồn quá lâu. Nếu bạn đang trên một chuyến bay bạn lo sợ về những sự cố có thể xảy ra trên chuyến bay, điều đó là vô bổ vì bạn hoàn toàn không kiểm soát được, hãy gạt những ý nghĩ lo sợ và tận hưởng giây phút hiện tại. Nhưng nếu bạn tham gia một kỳ thi, bạn sẽ có một phần kiểm soát trong đó bằng cách luyện tập, trau dồi thêm kỹ năng. Và đối với những mục tiêu trong cuộc sống như là đọc bao nhiêu cuốn sách trong một tuần, học thêm một kỹ năng mới vv…Bạn có thể hoàn toàn kiểm soát được. Sữ dụng kỹ thuật này khi gặp bất kỳ một sự việc nào chúng ta có thể nhanh chóng phân loại một cách dễ dàng và đưa ra quyết định phù hợp cho từng sự việc. Ví dụ như tôi có quá khứ đã từng trải qua biến cố gia đình lớn lao và tâm lý tôi luôn lo sợ về những việc tương tự có thể xảy ra với gia đình mình. Tuy nhiên, điều này tôi hoàn toàn không kiểm soát được, khi hiểu được điều này tôi gạt những ý nghĩ tiêu cực đó ra khỏi đầu mình và tìm đến những điều tích cực để tận hưởng cuộc sống.
3/ Tin rằng mỗi sự kiện diễn ra trong cuộc sống của chúng ta đều có ý nghĩa của nó bằng cách tin vào thuyết vận mệnh.
Chúng ta thường có xu hướng buồn bã về những chuyện bất như ý đã từng xảy ra trong cuộc sống. Chủ nghĩa Khắc kỷ tin rằng có thuyết vận mệnh, nhưng là thuyết vận mệnh quá khứ chứ không tin vào thuyết vận mệnh tương lai. Nghĩa là mọi sự diễn ra điều có lý do riêng của nó. Tuy nhiên chúng ta không nên quá bám chấp về những sự kiện đã qua mà hay cố gắng hơn để thay đổi điều này trong tương lai. Giống như việc khởi nghiệp, không ai khởi nghiệp lần đầu là thành công vang dội cả, đằng sau thành công lớn là một chuỗi những thất bại liên tiếp và theo đó là những bài học. Nếu chúng ta quá bi quan vào kết quả khởi nghiệp lần đầu đã vội bỏ cuộc thì chúng ta đã từ bỏ cơ hội để khắc phục kết quả. Điều này giống như luật nhân quả trong Phật giáo, có thể kết quả hiện tại chúng ta nhận được là những hạt giống mà chúng ta đã gieo trước đây. Tuy nhiên nếu nhận thức được chúng ta sẽ thay đổi cách sống hiện tại, gieo những hạt giống tốt lành để mai này chúng ta sẽ được hưởng những thành quả ngọt ngào.
4/ Học cách thích nghi với nghịch cảnh bằng việc tiết chế bản thân.
Cuộc sống hiện đại của chúng ta có rất nhiều tiện nghi nên con người trở nên phụ thuộc quá nhiều vào tiện nghi. Người hiện đại khó mà sống hạnh phúc nếu thiếu điện thoại thông minh, xe cộ, quần áo đẹp…Nếu mất đi tiện nghi chúng ta trở nên cau có, bực dọc và khó chịu với tất cả. Chủ Nghĩa Khắc Kỷ khuyên chúng ta nên định kỳ thực hiện lối sống tiết chế bản thân để nếu một mai cuộc sống xảy ra những biến cố thì chúng ta cũng không khỏi bỡ ngỡ và có thể thích nghi nhanh với cuộc sống mới. Thời gian giãn cách xã hội vừa rồi là ví dụ tiêu biểu nhất. Một số người tận dụng thời gian đó để sống chậm lại, suy ngẫm nhiều hơn và cũng có những người không thích nghi được nên trở nên chán nản, khó chịu. Thậm chí ở các quốc gia phương Tây họ đổ ra đường biểu tình lệnh giãn cách xã hội của nhà nước. Áp dụng được điều này chúng ta trở nên chấp nhận những điều trái khoáy xung quanh mình dễ dàng hơn. Nếu trong một buổi gặp gỡ bạn bè nhỡ may nhân viên phục vụ có pha thức uống không hợp khẩu vị, bạn có thể vui vẻ chấp nhận nó thay vì khó chịu suốt buổi.
5/ Nhìn nhận những vấn đề tiêu cực theo chiều hướng tích cực.
Trong cuộc sống muôn hình vạn trạng này luôn có những người đồng tình và không đồng tình vì thế việc nghe thấy ai đó nhận xét tiêu cực về mình là không quá xa lạ. Đã không ít người bị đau khổ và có thể trầm cảm vì điều này. Các nhà khắc kỷ khuyên rằng điều làm cho chúng ta khó chịu không phải là bản thân sự việc mà là đánh giá của chúng ta về sự việc đó. Một người nào đó thực sự làm tổn thương chúng ta qua những lời nói khi chúng ta cho phép họ làm điều đó. Chủ nghĩa Khắc kỷ khuyên chúng ta nên sử dụng sự hài hước để đáp lại những lời lẽ tiêu cực của người khác dành cho chúng ta. Bạn có thể đã từng buồn bã, thất vọng vì vừa mới bị người yêu chia tay. Nhưng điều đó trở thành vô nghĩa nếu sau này bạn sẽ cảm thấy thật may mắn vì năm xưa bạn đã bị bỏ rơi để giờ đây bạn được kết hôn với người phù hợp nhất. Thế nên hãy nhìn nhận vấn đề tiêu cực theo hướng tích cực nhất sẽ giúp chúng ta vượt qua dễ dàng hơn.
6/ Vượt qua cảm xúc đau buồn bằng cách tưởng tượng tiêu cực hồi cứu.
Thay vì nghĩ về những mất mát khiến chúng ta đau buồn thì chúng ta tưởng tượng về thời gian chúng ta chưa có điều đó để tự biết ơn vì điều gì đó, ai đó đã từng xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta thường không có nhận thấy được những điều quý giá mà chúng ta đang sở hữu và thường tiếc nuối những điều đã mất. Nhìn những người khiếm thị ta biết quý giá đôi mắt, nhìn những người khiếm thính ta mới biết được nghe một bản nhạc hay là một may mắn lớn. Ngoài ra chúng ta nên học cách để những tiêu cực không bị nhiễm vào chúng ta khi đối diện với những người đang trong tình trạng đau khổ. Đau khổ là một cảm xúc tiêu cực và chúng ta nên tránh xa nó càng tốt. Chúng ta không thể cứu một người uống thuốc độc bằng cách cũng uống thuốc độc. Chúng ta nên giúp người ta vượt qua nỗi đau khổ đó thay vì cũng buồn khổ như họ. Hãy đễ sự tích cực, năng lượng tốt lành của chúng ta giúp những người đang khổ đau vượt qua khó khăn.
7/Đừng bận tâm về những gì người khác nghĩ về mình.
Đa số trong chúng ta bị ám ảnh bởi những gì người khác nghĩ về mình nhưng các nhà khắc kỷ cho rằng điều này nằm trong sự việc chúng ta hoàn toàn không thể kiểm soát. Chúng ta hoàn toàn không có khả năng kiểm soát được những ý nghĩ người khác nghĩ về mình, chính vì vậy thật vô bổ khi chúng ta phải bận tâm về nó. Nếu cứ chạy theo làm vừa lòng tất cả mọi thì vô tình chúng ta sống theo quy chuẩn của họ. Việc sống theo quy chuẩn của người khác rất nguy hiểm vì chúng ta khó mà hạnh phúc khi không phân định được rõ đâu là cuộc sống của chính mình đâu là quy chuẩn xã hội.
8/ Thực hành lối sống tối giản.
Lối sống đa số hiện nay theo chủ nghĩa vật chất, ăn sao cho ngon nhất, mặc sao thời thượng nhất, sử dụng đồ công nghệ thông minh nhất vô tình đẩy con người vào cuộc đua không hồi kết. Chủ nghĩa tiêu dùng vật chất đã đưa hành tinh chúng ta đi đến bờ vực hủy hoại, môi trường ô nhiễm, băng tan, thời tiết khắc nghiệt, nhiều dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện. Việc ăn quá nhiều thức ăn hơn nhu cầu khiến cho ngành nông nghiệp buộc phải tăng sản lượng bằng thực phẩm biến đổi gen, phân bón, thuốc tăng trưởng kèm theo những hệ lụy thức ăn độc hại, nghèo dinh dưỡng và bệnh tật nhiều hơn. Ngành thời trang luôn luôn cho ra những sản phẩm mới phục vụ nhu cầu ham muốn sự mới mẽ và rác thải tăng lên mỗi ngày. Thế nên Các nhà khắc kỷ khuyên rằng thay vì cứ mãi chạy theo những nhu cầu vật chất thì hãy thực hành lối sống hạnh phúc ngay với những điều kiện đơn giản. Ăn uống đơn giản và ăn mặc giản dị.
Trong cuốn sách này có nhiều hơn những lời khuyên trên đây tuy nhiên tôi chỉ trích ra những lời khuyên mà tôi cảm hữu ích, thực dụng và phù hợp nhất. Sau khi Marcus mất thì chủ nghĩa khắc kỷ rơi vào khủng hoảng và đến nay vẫn chưa thực sự được hồi phục. Sự suy tàn của chủ nghĩa khắc kỷ một phần bởi sự thịnh hành của Kito giáo với những giáo lý cũng gần giống với chủ nghĩa khắc kỷ. Những người chống lại chủ nghĩa khắc kỷ cho rằng việc kiềm nén những cảm xúc tiêu cực thật nguy hiểm. Và các nhà trị liệu tâm lý hiện đại cũng đồng ý với điều này, họ cho rằng khi gặp vấn đề với cảm xúc tiêu cực, chúng ta nên chia sẽ với bác sĩ tâm lý thay vì kiềm nén. Tranh cãi này làm tôi nghĩ tới phương pháp mà đao Phật đã sử dụng để đối phó với cảm xúc tiêu cực. Đạo Phật họ cũng không khuyên chúng ta không nên nương theo cảm xúc tiêu cực, thế nhưng đạo Phật có cách để chế ngự nó bằng thiền định và quán hơi thở chánh niệm. Ở Kito giáo và Phật giáo có những phương pháp cụ thể như thiền định, đọc kinh cầu nguyện để đưa suy nghĩ về gần với khoảnh khắc thực tại, kết nối với đấng tối cao. Về lý thuyết tôi nhận thấy rằng chủ nghĩa khắc kỷ không khác gì so với đạo Phật hay Kito giáo cả mà chỉ là cách nhìn nhận và giải thích khác. Tôi cảm thấy dễ hiểu và được thuyết phục bởi cách diễn giải của chủ nghĩa khắc kỷ. Tuy nhiên nếu thực hành tôi sẽ kết hợp, bổ sung sử dụng phương pháp chánh niệm của đạo Phật mỗi khi đối diện với cảm xúc tiêu cực.
Cuốn sách này viết về triết học nhưng khá dễ hiểu, bất kỳ người nào chưa hiểu triết học cũng có thể bắt đầu. Đối với những người đã có một tôn giáo thì đây chính là cách nhìn mới mẻ về những vấn đề cố hữu được tiếp nhận từ tôn giáo của mình. Bạn có thể chắt lọc ra những lời khuyên phù hợp nhất để kết hợp với tôn giáo của bạn. Đối với những người không theo một tôn giáo nào thì đây là một cuốn sách cực kỳ hữu ích. Bởi vì bạn không bị ràng buộc bởi những lễ nghi tôn giáo cũng có thể thực hành lối sống tích cực để đạt được sự bình thản.
Review By SaSa’s Diary
#ChủNghĩaKhắcKỷ#ChuNghiaKhacKy#ReviewChuNghiaKhacKy#ReviewSachSay2020#SáchHay2020 #sáchtriếthọckinhđiển #triếthọc #reviewsáchhay #reviewsáchhaynhất #reviewsáchhay2020 #sáchhay #topsáchhay #topsáchhaynênđọc #topsáchnênđọc #top10sáchnênđọc #tâmlýhọctộiphạm #tâmlýhọc #vuilênreviewsách #sáchnênđọc2020 #triếthọckhắckỷ #chủnghĩakhắckỷlàgì #sáchchủnghĩakhắckỷ #triếthọclàgì #triếthọcđườngphố #nhàsáchtháihà #hiểubảnthânmình #cáchhiểubảnthân #triếtlýsốnghaynhất

Comments