[ Book Review #1 ] Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ- Đặng Hoàng Giang
- SaSa's Diary
- May 6, 2020
- 5 min read
Updated: Jun 2, 2020
Bạn là một người trẻ đang cảm thấy cô đơn, hoài nghi về giá trị bản thân, băn khoăn về mục đích sống. Bạn là những ông bố bà mẹ gặp khó khăn trong việc kết nối với con mình, muốn được tương tác để hiểu tâm tư nguyện vọng của chúng thì "Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ" đặc biệt dành cho bạn.
Đây là một tuyển tập bao gồm nhiều câu chuyện của nhiều nhân vật khác nhau nhưng có một điểm chung đều bị tổn thương ít nhiều về tâm lý, được tác giả phân thành ba nhóm:
- Những đứa trẻ bị bỏ rơi, sống trong hoàn cảnh khuyết thiếu tình cảm, sự chăm sóc của cha hoặc mẹ hoặc cả hai.
- Những đứa trẻ bị nhầm vai, bị phụ huynh hóa cả về chức năng và cảm xúc.
- Những đứa trẻ bị áp đặt sống theo ý muốn của gia đình.
Những câu chuyện có thật mà tác giả đã đồng hành cùng họ trong dự án kéo dài gần hai năm thông qua việc trao đổi trực tiếp, nhắn tin, tranh vẽ, âm nhạc,... Họ là những người trẻ khao khát được yêu thương, muốn sống một cuộc đời ý nghĩa nhưng lại kẹt ở cảm xúc nội tại. Có những người kẹt lại trong trách nhiệm vô hình mà gia đình đặt lên vai. Có những người thường trực những trăn trở trong tâm trí mà ai trong chúng ta cũng đã từng gặp phải ở những năm tháng tuổi trẻ. “Tôi là ai ? Giá trị của tôi là gì ? Tôi nên vùng vẫy theo bản ngã của mình hay kiềm nó lại để sống theo ý muốn gia đình, khuôn mẫu xã hội để tự đánh lừa bản thân, để tin rằng mình đang ổn.”
Thế nào là “Hậu tuổi thơ” ?
Một đoạn trong sách đã viết: “Những người trẻ trong cuốn sách này đều trên dưới hai mươi tuổi, cá biệt có người mười lăm, và có người hai mươi tư tuổi. Tương ứng với khái niệm late adolescence ( thiếu niên muộn) trong tiếng Anh, đây là quãng tuổi đời tôi gọi là “hậu tuổi thơ,” thời kỳ mà người ta đã để lại tuổi thơ ở đằng sau, nhưng chưa hoàn toàn bước vào thể giới của người lớn, theo nghĩa đi làm, lập gia đình, độc lập về tài chính.”
Trong tâm lý học đây là giai đoạn mà người trẻ đang trải qua những thay đổi cuối cùng mang tính chất quyết định ở thể chất và tâm trí để bắt đầu đảm nhiệm những vai trò như một người trưởng thành, đồng thời hình thành cá tính riêng của mình. Đây cũng là thời điểm họ dễ gặp những vấn đề về sức khỏe tâm thần nhất. Việc họ đối phó như thế nào với các vấn đề mà họ gặp phải trong giai đoạn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như gia đình, xã hội và nội tại chính họ. Một người trẻ được xem là trưởng thành khi họ giải quyết được ba vấn đề cơ bản:
- Xây dựng năng lực cảm xúc.
- Phát triển khả năng lập luận đúng sai.
- Hình thành căn tính.
Vai trò của giáo dục là giúp người trẻ phát triển tối đa những khả năng trên. Xã hội, nhà trường, bạn bè và sự nuôi dạy của cha mẹ tác động trực tiếp đến quá trình phát triển tâm lý của một cá nhân. Trong đó vai trò lớn nhất là nằm ở cha mẹ. Một đứa trẻ được quan tâm đến cảm xúc, được cha mẹ lắng nghe những nguyện vọng sẽ phát triển tích cực. Và ngược lại, những đứa trẻ lớn lên trong những lời lẽ cộc cằn, thô bạo, “bỏ đói” cảm xúc sẽ phát triển tâm lý theo hướng tiêu cực hơn.
Sức khỏe tâm lý ở Việt Nam chúng ta hiện nay chưa thực sự được xã hội quan tâm và hiểu đúng. Không những ở thế hệ trước mà còn ở thế hệ trẻ. Một phần xuất phát từ năng lực cảm xúc của đa số phụ huynh nằm ở mức thấp, họ không nhận thấy được những vấn đề tiềm tàng trong sức khỏe tâm lý của con cái. Những người gặp vấn đề về sức khỏe tâm lý đều được quy chụp là yếu đuối, không bằng lòng với thực tại, đòi hỏi v..v…
Tôi tin bất kỳ ai đọc cuốn sách này cũng sẽ tìm được một chút của chính mình. Bạn sẽ được xoa dịu tâm hồn khi biết mình không hề đơn độc. Ngoài kia cũng đang có rất nhiều người cũng đang vật lộn với những vấn đề của đời mình, ai cũng có những thử thách để tôi luyện mình trở nên bản lĩnh hơn. Nếu bạn đã là phụ huynh đang nuôi dạy con cái, bạn sẽ tự hỏi liệu mình đã yêu thương đúng cách với con cái mình chưa hoặc bạn cũng là nạn nhân của thế hệ trước. Là sự tiếp nối từ những gì cha mẹ đã dành cho họ khi xưa. Nếu không đủ mạnh mẽ và minh triết để bước ra vòng lẫn quẫn ấy thì từ thế hệ này sang thế hệ khác những nạn nhân mới được sinh ra.
Hãy đừng nhân danh yêu thương mà làm cho cuộc sống người bên cạnh mình trở nên ngột ngạt. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nói rất nhiều trong những bài pháp thoại của mình: “tình yêu nếu không đi kèm sự thấu hiểu nó sẽ trở nên khổ đau và là gánh nặng cho người được yêu thương”.
Đặng Hoàng Giang là tác giả hiếm hoi của Việt Nam mà tôi rất yêu mến. Cách mà ông tiếp cận và dẫn dắt người đọc đến vấn đề mà ông muốn đề cập. Trong tác phẩm, ông dùng kiến thức về tâm lý học để lý giải thích hành vi, tính cách của từng nhân vật một cách khúc chiết và dễ hiểu. Tương tự như những buổi trị liệu tâm lý, ông quay về thời thơ ấu các nhân vật xâu chuỗi những dữ kiện quan trọng mà họ đã trải nghiệm ngày xưa như bị bạo hành bằng lời nói, bị bạn trai của mẹ xâm hại tình dục, bị ép học đến ho ra máu v..v… Dựa vào đó ông đối chiếu với những khái niệm tâm lý để lý giải cho người đọc hiểu thêm về hành vi hiện tại, thế giới quan của những nhân vật được hình thành như thế nào. Từ đó giúp cho người đọc có thể có cái nhìn cảm thông hơn với những người xung quanh mình.
Cuốn sách nêu bật những vấn đề sâu sắc với ngôn từ dễ hiểu. Nhân vật trong câu chuyện đều là người Việt trẻ đang trong độ tuổi “hậu tuổi thơ”. Những người lớn đã trải qua giai đoạn này hoặc đang là cha mẹ đều nên đọc. Đọc để hiểu một đứa trẻ để trưởng thành cần những yếu tố gì ? Điều gì sẽ gây bất lợi trong quá trình phát triển tâm lý để sau này có đủ bản lĩnh đứng vững với những sóng gió trong đời.
Book Review By SaSa’s Diary
#timminhtrongthegioihautuoithoreview#DangHoangGiang#sachhaynhanam#bookreview#sáchhay2020#vượtquatrầmcảm#reviewsáchhay#sáchhaynênđọc#SaSasDiary#Booktube#tácgiảviệtnamhaynhất#GiangDang#TìmMìnhTrongThếGiớiHậuTuổiThơ#HậuTuổiThơ

Comments