[ Book Review #4 ] Bắt Trẻ Đồng Xanh – J.D Salinger
- SaSa's Diary
- Jul 8, 2020
- 9 min read
Lần đầu tiên, tôi đọc “ Bắt Trẻ Đồng Xanh” là cách đây gần mười năm. Khi đó tôi đang trải qua một biến cố khá lớn là em tôi bị bệnh. Một điều trái khoáy là cuộc sống của tôi lúc đó đang tràn đầy hoài bão về tương lai. Tôi vừa mới rời nhà trường trung học để vào Sài Gòn học Đại học. Tôi hạnh phúc vì được thỏa mái thể hiện cá tính, được gặp những người bạn mới hay ho vv... Nhưng khi nghe bác sĩ nói em mà tôi chỉ còn sống khoảng độ được năm năm nữa thôi. Thì tương lai với tôi là một điều gì đó rất nực cười. Nếu thời gian sống của em tôi là một sợi dây thì mỗi ngày trôi qua là một lần nó bị ngắn lại. Lúc đó tôi trở nên không mặn mòi với những thứ mà trước đây tôi đã từng cho là quan trọng như trường học, sự nghiệp vv... Tối chán đến trường, chán cả hẹn hò. Phần lớn thời gian dành để suy nghĩ về những nỗi buồn và viết lên story những lời lẽ trẻ trâu. Những lời mà bây giờ đọc lại tôi chỉ muốn chui vào cái lỗ nào đó để trốn.
Có thể mọi người sẽ cho là vô lý khi tôi cảm thấy thế. Lẽ ra tôi phải lạc quan, yêu đời, học tốt hơn và sống tốt hơn để bù đắp cho những mất mát của gia đình tôi. Có lẽ vì vậy nên nhiều độc giả khi đọc “ Bắt Trẻ Đồng Xanh “ họ không đồng cảm được với Holden Caulfield. Phải có một chút gì đó mất mác, tổn thương và một tâm hồn thấu cảm thì mới cảm nhận được lối suy nghĩ của Holden Caufield.Từ khi được xuất bản cho đến bây giờ thì “ Bắt Trẻ Đồng Xanh” vẫn nhận nhiều nhận xét, đánh giá trái chiều. Nào là băng hoại đạo đức giới trẻ, ngôn từ tục tĩu, chống đối xã hội, tiêu cực …Nhưng sự thật thì tất cả những gì tiêu cực thể hiện trong cuốn sách đều là những suy nghĩ độc thoại của Holden mà thôi. Holden chỉ nổi loạn ngầm bên trong và đó chỉ là phản ứng nội tâm của một đứa trẻ thiếu niên đang trưởng thành bắt đầu quan sát xã hội xung quanh mình. Còn bên ngoài Holden là một cậu trai rất không những lịch sự, tốt bụng mà còn rất ấm áp.
J.D Salinger dùng ngôi thứ nhất, xưng “tôi” để kể chuyện nhưng tôi muốn phân tách giữa J.D Salinger và Holden Caufield. Tuy cả hai là một, đều từ J.D Salinger xây dựng nhưng cả hai đều xứng đáng được khen theo cách khác nhau.
Về J.D Salinger, ông có nhiều tác phẩm tuy vậy chỉ cho in mỗi cuốn “ Bắt Trẻ Đồng Xanh” và điều mà tôi cực kỳ yêu thích và hâm mộ ông ở nghệ thuật kể chuyện theo lối châm biếm, trào phúng. Nhiều độc giả quá tập trung vào ngôn từ độc thoại tục tĩu và cảm thấy khó chịu với nó. Còn tôi thì bật cười thành tiếng khi đọc những đoạn châm biếm về những điều trái khóay mà Holden nhìn thấy. Khi Holden nói về ông Ossenburger, tên của ông được đặt khu nhà nội trú mà Holden đang ở là Nhà Tưởng Niệm Ossenburger vì ổng đã tài trợ rất nhiều tiền cho trường Pencey. Ông Ossenburger làm nghề thầu đám và trong một buổi diễn thuyết tại trường học ông đã khuyên những học sinh ở Pencey phải tin vào Chúa và nên thường xuyên cầu nguyện với Ngài khi gặp khó khăn. Holden tưởng tượng rằng nếu ổng mà cầu cho công danh sự nghiệp thuận lợi thì cũng như cầu Chúa ban cho ổng thêm nhiều cái xác. Bạn có thấy giống “ Hạnh Phúc Của Một Tang Gia” của Vũ Trọng Phụng không? Hoặc khi nói về những đứa con gái, Holden kể về vài lần suýt được làm chuyện người lớn với họ nhưng mỗi khi khởi sự thì tụi con gái toàn bảo “đừng anh!” như kiểu là nếu có chuyện gì xảy ra thì lỗi luôn thuộc về con trai. Và còn rất nhiều đoạn hài hước, châm biếm như thế. Khi đọc bạn sẽ cảm thấy hình ảnh này bạn từng đã gặp đâu đó trong xã hội hiện tại. Tác phẩm này ngoài việc nói Holden thì J.D Salinger còn phản ánh hiện thực xã hội thời đó của nước Mỹ, cũng có những điều lố bịch, kệch cỡm như xã hội Việt Nam nổi bật vào một số thời kỳ nhất định.
Xã hội thời mà J.D Salinger đang sống và xã hội hiện tại mà chúng ta luôn có những bất công tồn tại. Bill Gate nói rằng “ Xã hội luôn luôn tồn tại những bất công và bạn phải học cách thích nghi với điều đó” Và Holden cũng vậy cậu cũng cần thời gian để chấp nhận với nó. Nên việc một đứa trẻ mới lớn như Holden đang muốn trốn chạy và xua đuổi những bất công ra khỏi cuộc sống của cậu là một điều rất dễ hiểu. Thế nên tại sao chúng ta không ngừng chỉ trích lên án Holden mà không lắng nghe cảm nhận thật lòng của cậu để sống với nhau thật lòng hơn. Mặc dù tác giả mô tả Holden rất gai góc luôn nhận xét nhiều người bằng câu “ Bộ Tịch” nhưng đằng sau đó theo tôi là một thông điệp rằng hãy sống với nhau tử tế, quan tâm đến nhau hơn. Khi tác giả kể đến đoạn Holden nhìn thấy một đôi vợ chồng sau khi tan lễ chiều ở nhà thờ, họ ra về cùng một cậu con trai nhưng họ chẳng để tâm gì mấy đến đứa con trai. Thế nhưng người chồng lại đội một loại mũ mà những người ít tiền nhưng vẫn muốn người khác nghĩ mình giàu có thường hay đội. Chứng tỏ họ chỉ quan tâm đến sự hào nhoáng của bản thân, sợ bị người khác coi thường hơn là quan tâm đến con cái. Hoặc những người người phụ nữ trong đội Hồng Thập Tự đi quyên tiền cho người nghèo nhưng phải thường ăn vận, trang điểm cho thật đẹp mắt. Hoặc hình ảnh nhiều người đi viếng mộ người thân có cả ba của Holden nhưng chỉ cần có một cơn mưa thôi thì họ vội vã chạy đi núp mưa và đến một nhà hàng thật sộp để ăn tối vv…Có nghĩa là họ có thể làm việc tốt vì một lý do nào đó chứ không hẳn là xuất phát từ lòng tốt.
Về Holden Caufield, sau đám tang của em cậu là Allie, cậu đấm tay vào cửa kiếng ô tô đến mức bị thương. Holden đã nhận được sự giúp đỡ tâm lý từ nhà tâm phân học, có thể được gọi đến bởi gia đình cậu. Đứng trước một nỗi đau mất người thân và ở độ tuổi mới lớn của Holden thì không có một lý giải hợp lý nào đủ sức thuyết phục cậu chấp nhận nỗi mất mát đó một cách dễ dàng. Trong quá trình trưởng thành ai cũng đều phải trải qua cảm giấc thất vọng về những điều bất như ý trong cuộc sống, rồi hiểu được bản chất và sau đó mới chấp nhận. Vào độ tuổi thiếu niên nếu cuộc sống không diễn ra trôi chảy như trên sách vở thì bất kỳ một đứa trẻ nào cũng có thể đặt câu hỏi cho vấn đề mà chúng đang vấp phải. Và Holden cũng như vậy.
Theo tôi Holden là một cậu bé rất có óc quan sát và nhìn nhận vấn đề sâu sắc hơn so với các bạn đồng trang lứa. Qua những gì cậu kể về những người bạn của mình ở cùng độ tuổi. Con trai chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài, tán gái, còn bọn con gái thì quan tâm đến việc làm đẹp, đi nhảy, xem chiếu bóng vv…Còn Holden thì khác hơn, cậu hướng nội và thích đọc sách. Cậu có một mối quan tâm nhiều hơn, ngoài bản thân cậu. Người hướng nội quan tâm đến những điều xung quanh mình nhiều hơn nhưng đồng thời cũng cảm thấy mình cô đơn, không thể hòa mình vào xã hội.
Nhìn qua có vẻ như Holden là người thuộc dạng chống đối xã hội. Nhưng nó chỉ xảy ra bên trong cậu, bề ngoài cậu lịch sự với tất cả mọi người, điều đó thể hiện khi cậu gặp mẹ của Morrow, khi gặp hai vị nữ tu, thấy giáo dạy lịch sử vv…hầu như cậu đều lễ phép với tất cả người lớn. Vậy thì động cơ nào cho những ngôn từ bất cần đời cậu thường dùng để chửi những gì cậu chứng kiến. Đó chính ra sự hời hợt của người lớn và một xã hội Mỹ đầy bất công với những con người hợm hĩnh mà Holden liên tục dùng từ “ Bộ Tịch” để nói về điều này. Thầy hiệu trưởng trường Elkton Hills chỉ tay bắt mặt mừng với những phụ huynh giàu có, còn những phụ huynh nào trông có vẻ nghèo khó thì ông chỉ bắt tay và chào hỏi cho có lệ. Trường Pencey thì luông đăng quảng cáo với hình ảnh “một thằng cha rất bảnh cưỡi ngựa phóng qua hàng rào. Làm như là ở Pencey, bạn chỉ cưỡi ngựa và đánh polo suốt ngày. Và dưới bức quảng cáo, luôn luôn là câu “ Từ 1888 chúng tôi đã đào tạo các cậu con trai thành những thanh niên tráng kiện, minh mẫn.” ” Và điều này nó không đúng với những trải nghiệm mà Holden đã có ở trường Pencey. Đó là lý do tại sao Holden chán ghét trường học vì ở đó Holden chứng kiến nhiều những điều giả dối nhất. Ngoài trường học ra thì hầu như ai cũng muốn bọc bên ngoài của mình một hình ảnh hào nhoáng nhất. Ví như lão nhân viên khách sạn cố tình chải tóc để che đi khoảng đầu bị hói. Hay như Dick Slagle, bạn học của Holden khi học ở Elkton Hills, cố tình để chiếc vali hiệu Mark Cross đắt tiền của Holden phía trên giường của nó để mọi người nhìn vào sẽ tưởng cái vali là của Slagle vv…
Ngoài những điều bộ tịch mà Holden rất ghét ở trường học hay điện ảnh thì điều gì khiến Holden yêu thích. Holden rất yêu trẻ con, cậu yêu em của mình và cả đứa trẻ đi cùng cha mẹ nó sau khi tan lễ nhà thờ. Cậu bé đó đã hát bài “ Nếu một đứa nào bắt được đứa nào đang đến qua đồng lúa mạch xanh.” Đó là lời bài hát “Comin thro' the rye” của Robert Burns, bài hát này đã khơi gợi cho Holden cảm giác dễ chịu và xua đi cơn buồn chán. Cậu rất yêu Allie. Cậu thích hình ảnh hai nữ tu đi quyên tiền từ thiện bằng hai giỏ mây rách thay vì trang điểm lòe loẹt như những người làm ở Hồng Thập Tự. Cậu yêu mến thằng James Castle, cái thằng đã bị tụi bạn đánh chết vì không xin lỗi sau khi đã nhận xét chính xác về tính cách phách lối của một cái thằng ở trường Eklton Hills. Vì họ là những người sống rất thật lòng.
Holden muốn đi về phía Tây nơi có đầy ánh nắng và không ai biết cậu cả. Cậu sẽ giả vờ cậu là một người câm điếc để khỏi phải trò chuyện với người khác. Cậu sẽ sống trong một cái chòi thật yên bình và nếu có lấy vợ, cậu cũng sẽ lấy một vợ câm điếc và sinh ra những đứa con. Con cậu cũng không cho đi học nốt nhưng cậu sẽ mua sách cho chúng đọc. Bạn có thấy quen không? Đôi khi có một việc gì khiến chúng ta khó nghĩ quá chúng ta cũng có đôi lần muốn đi trốn như vậy đấy. Holden muốn từ biệt Phoebe, cậu đã viết thư cho em mình và hẹn gặp em ở Viện bảo tàng Mỹ thuật. Kế hoạch của Holden không thành vì em Phoebe muốn bỏ đi cùng. Hình ảnh một đứa trẻ nhỏ xíu, đội mũ thợ săn, kéo chiếc vali to tướng đi trên đường phố và muốn bỏ đi bụi khiến bất kỳ ai cũng muốn bật cười. Tôi đồ rằng trong chúng ta không ít lần đã muốn bỏ đi một nơi thật xa để chạy trốn khỏi hiện thực khó khăn nào đó.Tuy nhiên cũng có những điều tốt đẹp giúp chúng ta nhận thấy rằng cuộc sống này không xấu xí như mình tưởng. Hình ảnh dễ thương của em Phoebe đang cưỡi ngựa chơi ở công viên đã kéo Holden ra khỏi ý nghĩ bỏ đi. Bất kỳ một thiếu niên mới lớn nào cũng đều có những trải nghiệm va đập với thế giới xung quanh. Tiếp theo là tùy thuộc vào khả năng lập luận đúng sai ở mỗi cá nhân để đưa ra những lựa chọn riêng mà họ cho là đúng đắn để tiếp tục hành trình cuộc sống.
Cuốn sách này sẽ rất đặc biệt với những độc giả yêu thích lối viết trào phúng, châm biếm. Bạn có thể tìm thấy phong cách viết này ở cuốn Lolita, Số Đỏ…Nếu bạn là một người thuộc dạng “ thanh niên nghiêm túc” thì chắc bạn sẽ không muốn thử, hoặc có thể thử bằng cách thay đổi cách tiếp cận sẽ hay hơn. Nó đặc biệt dành cho những bạn trẻ đang trong giai đoạn chơi vơi, chưa tìm thấy mục đích cuộc sống. Đọc để tìm thấy một chút bản thân mình trong đó, để hiểu rằng cuộc sống có những giai đoạn mình bị trũng xuống so với xã hội. Nhưng bằng cách nào đó cuộc đời cũng có lý do để kéo mình trở về đi đúng đường.
Review By SaSa's Diary
#BắtTrẻĐồngXanh #BatTreDongXanh #JDSalinger #TheCatcherInTheRye #sáchkinhđiển #vănhọckinhđiển #sáchhay2020 #sáchbestseller #reviewsáchhay #ReviewBắtTrẻĐồngXanh #Vănhọcnướcngoài #NhãNam #NhãNamKinhĐiển #sáchbánchạy #YoungAdult

Comments